RSS

Daily Archives: Tháng Ba 26, 2011

Quốc Văn Giáo Khoa Thư


Nguồn e-thuvien / Nguồn gocong

Quốc văn Giáo khoa thư là một trong những cuốn sách giáo khoa tiếng Việt được nhiều người biết đến. Sách được dạy song hành ở các trường tiểu học Việt Nam trong suốt những thập niên thuộc nửa đầu thế kỷ XX, do NHA HỌC CHÍNH ĐÔNG PHÁP đã giao cho các ông: TRẦN TRỌNG KIM, NGUYỄN VĂN NGỌC, ĐẶNG ĐÌNH PHÚC, ĐỖ THẬN biên soạn, và được xuất bản vào những năm 30 – 40. Qua đó cho thấy sự coi trọng vấn đề luân lý, đạo đức con người của người xưa, nó không chỉ là một môn học thông thường mà là một nội dung lớn xuyên suốt quá trình phát triển trí óc và tâm hồn trẻ thơ. Nay cuốn sách được tái bản lại, tuy một số nội dung không còn phù hợp hoàn toàn với quan điểm giáo dục hiện nay song xét về mặt ý nghĩa và giá trị giáo dục thì vẫn còn, xin trân trọng giới thiệu tới các bậc phụ huynh, quý thầy cô cùng các em học sinh các cấp tìm đọc và tham khảo”.

Dù có những khiếm khuyết nhất định (được soạn thảo vào thời Pháp thuộc), Quốc văn giáo khoa thư vẫn xứng đáng là vốn quý trong kho tàng văn chương và sách giáo khoa của Việt Nam. Nên chăng tuyển chọn những bài có giá trị, có ý nghĩa giáo dục nhân cách trong Quốc văn giáo khoa thư đưa vào những bài đọc thêm của môn Văn cấp I, các em học sinh cấp I ngày nay hẳn sẽ thích thú được thấy sách giáo khoa dạy ông bà ngày xưa làm người người ra sao.”

Xin được trích lại lời Tựa của NXB Trẻ in trong tái bản năm 1993

QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ là bộ sách tiếng Việt do các học giả TRẦN TRỌNG KIM – NGUYỄN VĂN NGỌC – ĐẶNG ĐÌNH PHÚC và ĐỖ THẬN biên soạn, được chính thức sử dụng ở các trường Tiểu học (cấp I) Việt Nam trong suốt những thập niên thuộc nửa đầu thế kỷ thứ 20.

Rất nhiều thế hệ học trò, thuở ấy còn để tóc trái đào nay đã thành bậc phụ lão, tóc ngả màu sương mà vẫn có thể đọc thuộc lòng những bài học khai tâm của Quốc Văn Giáo Khoa thư.

Bộ sách tuy nhỏ, bài học tuy ngắn nhưng giá trị sư phạm, giá trị văn học và hiệu quả giáo dục tâm hồn trẻ thơ thì từ trước tới nay, điểm lại trong rừng sách giáo khoa quốc ngữ chưa dễ có công trình nào sánh kịp.

Ngày nay, hầu hết các bạn học sinh sinh viên đều đã học và rất yêu thích bài thơ Quê Hương của Giang Nam:

“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường,
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.
Ai bảo chăn trâu là khổ,
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…”

Các bạn biết không – những trang sách nhỏ mà nhà thơ Giang Nam đã xem như tình yêu chính là những trang sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư này đây. Chính cái tình yêu quê hương mơ màng xinh xắn ấy ấp ủ trong tâm hồn nhà thơ, sau này sẽ lớn lên thành bài thơ Quê Hương của thời chống Mỹ cứu nước.

Trong tác phẩm Hương Rừng Cà Mau, một quyển cảo thơm của phía nam Tổ quốc, nhà văn Sơn Nam cũng đã “phải lòng” trước một thứ Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư ngọt ngào trong sáng như giai điệu mùa xuân:

… “Văn chương nghe như đờn Nam Xuân: Nước mềm đá rắn, thế mà nước chảy mãi đá cũng phải mòn. Sợi dây nhỏ cây gỗ lớn, thế mà dây cưa mãi gỗ cũng phải đứt. con kiến nhỏ cái tổ to, thế mà kiến tha lâu cũng đầy tổ. Người ta cũng vậy…”

(Trích truyện ngắn Tình Nghĩa Giáo Khoa Thư trong tập HƯƠNG RỪNG CÀ MAU của SƠN NAM – xem truyện này ở phần phụ lục cuốn sách).

Một bộ sách như thế, rõ ràng là vốn quí trong kho tàng văn hóa của dân tộc. Được sự đồng ý của Cục Xuất Bản, chúng tôi xin hân hạnh giới thiệu TUYỂN TẬP QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ gồm 3 quyển: QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ lớp Sơ-đẳng, QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ lớp Dự-bị và LUÂN LÝ GIÁO KHOA THƯ lớp Đồng-ấu.

Chúng tôi chủ trương giữ đúng nguyên tác từ các bản in của Việt Nam Tiểu Học Tùng Thư thuở trước, kể cả phần minh họa khắc trên bản gỗ. Ngoại trừ một số ít bài, mang dấu ấn chính trị rõ rệt của thời Pháp thuộc đã được loại bỏ, tất cả những bài còn lại, mang phần hồn của Quốc Văn Giáo khoa Thư đều được phục hiện trong tuyển tập này.

Lần tái bản này cách lần trước đã gần nửa thế kỷ, một khoảng cách thời gian đủ để nhớ và để quên trong tâm lý bạn đôc. Dù nhớ dù quên, xin hãy đón nhận quyển sách này như món quà tinh thần trong hành trang VỀ NGUỒN của những thế hệ trẻ hôm qua và hôm nay.

NHÀ XUẤT BẢN TRẺ
Tháng 3 – 1993

Đi học phải đúng giờ – Ai ơi, chớ vội khoe mình

Lòng thảo hiếm có

Lòng kính yêu chị – Lời khuyên con

Anh nói khoác

Cái lưỡi

Thương người như thể thương thân

Con chồn và con gà trống

Người say rượu – Người nghiện thuốc phiện

Công việc nhà nông

Làm con phải cho dễ dạy

Chớ nên ham mê cờ bạc – Kính

Có học phải có hạnh

Không nên hành hạ loài vật – Không nên phá tổ chim – Một người anh tốt – Không nên báo thù

Phần tiếp theo – 2

Phần tiếp theo – 3

Phần tiếp theo – 4

Phần tiếp theo – 5

Phần tiếp theo – 6

Phần tiếp theo – 7

Phần tiếp theo – 8

Phần tiếp theo – 9

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Ba 26, 2011 in Giáo dục

 

Nhãn: ,

Đi học phải đúng giờ – Ai ơi, chớ vội khoe mình

Trích QUỐC VĂN GIÁO KHOA TOÀN THƯ – 1948

ĐI HỌC PHẢI ĐÚNG GIỜ

Xuân đi học coi người hớn hở,
Gặp câu Thu đi ở giữa đàng,
Hỏi rằng: “Sao đã vội vàng,
Trống chưa nghe đánh, đến tràng làm chi?
Thôi, hãy hượm, đừng đi, anh ạ.
Này con khăng tôi đã sẵn rổi.
Cùng nhau ta hãy đánh chơi.
Lát rồi ta sẽ tới nơi cũng vừa.”
– Thu đáp lại: “Dẫu giờ còn sớm,
Cũng nên đi, kẻo chậm làm sao?
Nếu chờ khi đánh trống vào,
Dầu ta rảo bước tài nào kịp cho.
Trễ giờ ta phải nên lo.”

Giải nghĩa: – Hớn hở = người nom có dáng vui vẻ. – Hãy hượm = thong thả, đừng đi vội. – Con khăng = con khăng thường làm bằng hai miếng tre hay gỗ, vót tròn, một miếng dài, một miếng ngắn. – Rảo bước = đi mau chân.


AI ƠI, CHỚ VỘI KHOE MÌNH

Con bươm bướm kia, cánh vàng rực rỡ, lại có những đốm đen, đốm đỏ, trông rõ thật đẹp. Một hôm, bay nhởn nhơ trên bụi cây ở vệ đường. Hết ngành(*) nọ, sang ngành kia, thảnh thơi vui thú. Tưởng mình đã đẹp, thì ai chẳng kính yêu. Ngờ đâu có ba anh học-trò đi học về, bỗng trông thấy bướm kia đang bay ở bụi cây trước nặt, vội vàng, anh thì lấy nón úp, anh thì lấy sách đập, xô đẩy nhau đuổi bắt cho được.

Con bươm bướm kia đã vào tay lũ trẻ, thôi thì hết anh này lôi cánh, lại đến anh kia kéo chân, thật là rã rời tơi tả, chẳng được bao lâu mà hóa ra tửng mảnh. Ấy cũng vì con bươm bướm có cái sắc đẹp, mà phải những cái tai hại thảm thiết như thế. Thật đáng thương thay!

Giải nghĩa: – Nhởn nhơ = nhí nhảnh, làm bộ làm dáng. – (*)Ngành = nhành. – Thảnh thơi = nhàn hạ phong lưu, không có bận bịu điều gì. – Rã rời tơi tả = tan nát ra. – Thảm thiết = khốn nạn, đáng thương xót.

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Ba 26, 2011 in Tiếng Việt

 

Nhãn: ,

Lòng thảo hiếm có

Trích QUỐC VĂN GIÁO KHOA TOÀN THƯ – 1948


LÒNG THẢO HIẾM CÓ

Mẫn tử Khiêm, mẹ mất sớm, bị người dì ghẻ ác nghiệt, xử tàn nhẫn lắm. Mùa rét chỉ cho Mẫn tử mặc một manh áo mỏng, còn hai con riêng mình, thì cho mặc áo bông, áo mền tử tế.

Một hôm, người cha sai Mẫn tử đi đẩy xe, Mẫn tử rét quá, lập cập vấp ngã. Cha quở mắng, Mẫn tử cũng không nói gì. Sau cha biết người dì ghẻ để cho Mẫn tử phải chịu đói rét, và thường khi lại còn hành hạ khổ sở, thì muốn đuổi ngay đi.

Mẫn tử biết ý, can cha rằng: “Dì con mà còn ở lại, thì chỉ có một mình con chịu rét mà thôi, chớ dì con mà không ở đây nữa, thì ba anh em chúng con đều bị đói rét cả.”

Người cha nghe nói, cho là phải, và người dì ghẻ thấy Mẫn tử hiếu đễ như thế, lấy làm cảm động, từ đó cư xử với Mẫn tử rất là tử tế.

Giải nghĩa. – Tàn nhẫn = làm cho người ta đau đớn, khổ sở. – Áo mền = áo lót có lần dựng ở giữa. – Can = ngăn không để ai làm một việc gì. – Cảm động = thấy việc gì ở ngoài mà động đến trong lòng.

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Ba 26, 2011 in Tiếng Việt

 

Nhãn: ,

Lòng kính yêu chị – Lời khuyên con

Trích QUỐC VĂN GIÁO KHOA TOÀN THƯ – 1948


LÒNG KÍNH YÊU CHỊ

Ông Lý-Tích làm quan to đời xưa. Ông đã già mà vẫn yêu kính chị một cách khác thường. Một hôm, bà chị ốm, ông thân hành đi nấu cháo cho chị ăn, chẳng may gió quạt ngọn lửa cháy cả râu. Bà chị nói rằng; “Nhà thiếu gì đầy tớ mà em lại khổ thân như vậy?” – Ông đáp lại rằng: “Nay chị đã già, mà em cũng già rồi, dẫu em có muốn nấu cháo cho chị ăn mãi, phỏng đã dễ mà được hay sao?”

Một người như ông Lý Tích, làm quan quyền quí bao nhiêu mà yêu chị như thế, thật là đáng khen thay!

Ôi! Anh chị em là cùng một cha mẹ sinh ra, ở với nhau từ thuở nhỏ dại cho đến khi khôn lớn, dạy bảo nhau, bênh vực nhau, lúc vui cười, lúc buồn-bực, bao giờ cũng có nhau, thì cái tình thân ái biết bao giờ cho phai nhạt đi được!

Giải nghĩa. – Ốm = đau. – Thân hành = Tự mìnhh đi làm lấy. – Khổ thân = để thân mình phải chịu điều khổ. – Quyền quí = có quyền tước sang trọng. – Thân ái = yêu mến thân thiết.


LỜI KHUYÊN CON
(Ca dao)
Bài học thuộc lòng

Con ơi, muốn nên thân người,
Lắng tai nghe lấy những lời mẹ cha.
Gái thì giữ việc trong nhà,
Khi vào canh cửi, khi ra thêu-thùa.
Trai thì đọc sách, ngâm thơ,
Dùi mài kinh sử để chờ kịp khoa.
Mai sau nối được nghiệp nhà,
Trước là đẹp mặt, sau là ấm thân.

Giải nghĩa. – Canh cửi = dệt tơ, dệt vải. – Dùi mài = chăm-chỉ học-hành. – Kinh-sử = sách vở học để đi thi. – Kịp khoa = đây là kịp khoa thi.

 
Bình luận về bài viết này

Posted by trên Tháng Ba 26, 2011 in Tiếng Việt

 

Nhãn: ,

Anh nói khoác

Trích QUỐC VĂN GIÁO KHOA TOÀN THƯ – 1948

ANH NÓI KHOÁC

Tí và Sửu đi qua một đám ruộng bí. Tí chợt trông thấy quả bí to, nói rằng: “Chà! Quả bí đâu mà to như thế kia!” Sửu có tính hay nói khoác, cười mà bảo rằng: “Thế đã lấy gì làm to. Tôi đã từng thấy những quả bí to hơn nhiều. Có một bận, thật mắt tôi trông thấy một quả bí to bằng cả một cái nhà ở trước mặt ta kia kìa. – Tí nói: “Thế đã lấy gì làm lạ. Tôi còn nhớ một bận tôi trông thấy cái xanh đồng to vừa bằng cả cái đình làng ta ấy”. – Sửu hỏi: “Cái xanh ấy dùng để làm gì mà to quá như thế?” – “À, thế bác không biết à. Cái xanh ấy dùng để luộc quả bí của bác vừa nói ấy mà.”

Sửu biết Tí chế nhạo mình, mới nói lảng ra chuyện khác.

Nói điều gì phải cho đúng với sự thật, chớ nên bịa đặt ra mà người ta chê cười.

Giải nghĩa. – Nói khoác = nói quá sự thật. – Quả = trái. – Xanh = đồ bằng đồng dùng để đun nấu, có hai quai, và khác với cái chảo, vì nó bằng trôn.

 
1 bình luận

Posted by trên Tháng Ba 26, 2011 in Tiếng Việt

 

Nhãn: ,